Kết hợp thực hiện GDGTTDTD cùng các hành động và chương trình bổ trợ

Năm lĩnh vực chính đối với các hành động bổ trợ 

Sự cần thiết phải có các hành động bổ trợ để hỗ trợ cho việc đạt được các kết quả tích cực về sức khỏe tình dục cho thanh thiếu niên đã được xác định rõ và cần thực hiện trong 5 lĩnh vực chính sau:

Luật pháp, chính sách và nhân quyền

Những can thiệp tích cực về pháp lý hoặc chính sách có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các chương trình can thiệp về sức khỏe tình dục hiện có hoặc thực hiện các chương trình can thiệp mới. Các quốc gia có thể sử dụng luật pháp, chính sách và các cơ chế quản lý khác được quy định trong các hiệp ước quốc tế để đảm bảo việc thúc đẩy, bảo vệ và cung cấp các thông tin và dịch vụ liên quan đến sức khỏe tình dục cũng như bảo vệ quyền của mỗi người dân trong lãnh thổ các quốc gia đó. 

Giáo dục

Mối tương quan giữa trình độ học vấn và sức khỏe tình dục đã được ghi nhận. Một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe tình dục về lâu dài đó là cam kết nhằm đảm bảo thanh thiếu niên được giáo dục đầy đủ để đưa ra những quyết định giúp họ có đời sống tình dục lành mạnh. Công tác tư vấn và việc cung cấp thông tin về sức khỏe tình dục phù hợp, chính xác, dựa trên bằng chứng phải cho tất cả thanh thiếu niên cần được đảm bảo và không có sự phân biệt đối xử, định kiến giới và kỳ thị. Thực tế này là một trong những cơ sở quan trọng nhất để tích hợp GDGTTDTD trong nhà trường.

Xã hội và văn hoá

Các yếu tố xã hội và văn hóa có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ và thông tin về sức khỏe sinh sản và tình dục. Các giá trị, niềm tin và chuẩn mực truyền thống cần được đánh giá đúng mức bởi chúng ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng, xã hội và góp phần quan trọng trong việc hình thành đời sống tình dục của con người. Trong khi các yếu tố văn hóa xã hội có liên quan đến sức khỏe tình dục thay đổi theo thời gian và địa điểm, dường như các nhóm thành viên xã hội có tương đối ít quyền lực sẽ có sức khỏe tình dục kém hơn, thông thường là do họ thiếu khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ về sức khỏe tình dục hoặc không được pháp lý hóa. Ví dụ, các mối quan hệ quyền lực có sự tác động từ giới có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tình dục của nhiều phụ nữ và trẻ em gái. Các chương trình GDGTTDTD cần được gắn với các tổ chức trong cộng đồng hoặc nhóm những người có xu hướng tình dục, bản dạng giới hoặc biểu hiện giới (SOGIE) đa dạng hoặc nhóm những người sống chung với  HIV (PLHIV), v.v., qua đó, người học có thể nhận được thông tin trực tiếp từ những tổ chức và những nhóm này, và các nhà giáo dục không phải chịu gánh nặng về việc phải tự mình thực hiện các cuộc trò chuyện về những vấn đề 'khó'.

Kinh tế 

Nghèo đói và bất bình đẳng kinh tế về cơ bản có liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục kém. Những mối liên hệ này có tính đa chiều, vì những người sống trong cảnh nghèo đói có sức khỏe sinh sản và tình dục kém hơn những người có hoàn cảnh kinh tế tốt hơn, và ngược lại, sức khỏe kém cũng dẫn đến nghèo đói. Sự thiếu thốn về tài chính thường là động lực thúc đẩy một số hình thức của những hành vi tình dục có nguy cơ cao. Do đó, các hành động can thiệp về sức khỏe chỉ có thể có hiệu quả nếu như các mối quan hệ giữa nhu cầu kinh tế, tình trạng dễ bị tổn thương và sức khỏe của một người được hiểu và giải quyết đầy đủ trong cả ngắn hạn và dài hạn. Việc liên kết với các nhóm tự lực hoặc tổ chức các hoạt động tạo ra thu nhập có thể nâng cao hiệu quả của chương trình GDGTTDTD khi chương trình này tiếp cận những thanh thiếu niên phải sống trong cảnh nghèo đói. 

Hệ thống y tế

Các dịch vụ sức khỏe tình dục phù hợp, có thể tiếp cận được, có chất lượng tốt với mức giá phải chăng là nền tảng cơ bản để xây dựng một xã hội có sức khỏe tình dục tốt. Các biện pháp can thiệp nhằm duy trì và đảm bảo sức khỏe tình dục đã được chứng minh là có hiệu quả tốt nhất khi chúng được áp dụng cho mọi người thuộc mọi lứa tuổi, trong suốt cuộc đời của họ, bất kể tình trạng hôn nhân. Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải nỗ lực nhắm đến đối tượng thanh thiếu niên nói riêng vì bởi nhóm đối tượng này dễ bị tổn thương về mặt xã hội và sinh học. Những nhà cung cấp dịch vụ y tế cần được đào tạo để sàng lọc và phát hiện các vấn đề sức khỏe tình dục, đồng thời cung cấp thông tin giáo dục phù hợp về phòng ngừa, tư vấn, điều trị, chăm sóc và chuyển tuyến.

[Trích dẫn và chuyển thể từ: WHO. 2010. Developing sexual health programmes: a framework for action.]

GDGTTDTD bao gồm các thành phần trong cộng đồng - thanh thiếu niên, phụ huynh và giáo viên tham gia vào việc thiết kế các biện pháp can thiệp - mang lại sự thay đổi lớn nhất. Các nghiên cứu đã khẳng định phải liên kết việc thực hiện GDGTTDTD và các biện pháp can thiệp bổ sung khác với các dịch vụ SKSS/SKTD. Điều này bao gồm sự cần thiết trong việc:

  • Xây dựng nhận thức, sự chấp nhận và ủng hộ của thanh thiếu niên và các bên liên quan có tấc động đến khả năng tiếp cận của các em đối với các dịch vụ GDGTTDTD và SKSS/SKTD thân thiện với thanh thiếu niên;
  • Giải quyết bất bình đẳng giới về niềm tin, thái độ và chuẩn mực;
  • Nhắm đến những người học nhỏ tuổi, đặc biệt là những người trong giai đoạn đầu tuổi vị thành niên (10–14 tuổi);
  • Đảm bảo việc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe được đào tạo và hỗ trợ trong việc cung cấp các dịch vụ thân thiện với thanh thiếu niên, bao gồm cả thái độ thân thiện và không phán xét;
  • Đảm bảo rằng các cơ sở y tế luôn chào đón và đón nhận thanh thiếu niên.

[Nguồn: UNESCO. 2017. CSE scale-up in practice: Case studies from Eastern and Southern Africa.]

Quan hệ đối tác

Ở cấp địa phương, việc điều phối GDGTTDTD với các chương trình bổ sung có thể bao gồm hai nỗ lực chính. Đầu tiên là tìm trong một cộng đồng hoặc khu vực để xác định những gì hiện đang được cung cấp để tránh những nỗ lực trùng lặp. Thứ hai là xác định mức độ sẵn có của các mối quan hệ đối tác cũng như cách các mối quan hệ này có thể tối đa hóa tác động của GDGTTDTD, cho dù là một chương trình độc lập hay một chương trình được tích hợp trong các chương trình và dịch vụ khác.

Ba loại hình quan hệ đối tác

  1. Thúc đẩy/ Trao đổi: những quan hệ đối tác mà ở đó mỗi đối tác mang đến các kỹ năng hoặc nguồn lực riêng biệt để bổ sung cho các đối tác khác. Ví dụ, một cộng đồng có thể được chuẩn bị để tổ chức đào tạo trực tiếp cho giáo viên về GDGTTDTD, nhưng không được cập nhật về các phương pháp tiếp cận thông tin về các kiểu thương tổn. Việc hợp tác với một tổ chức địa phương có chuyên môn trong lĩnh vực này sẽ rất hữu ích thông qua việc cử một người đồng điều phối chương trình hoặc diễn giả khách mời tham gia vào khóa đào tạo.
  2. Kết hợp/ Tích hợp: những quan hệ đối tác mà các bên đã tham gia và đầu tư vào chương trình ngay từ đầu. Những mối quan hệ đối tác này đòi hỏi phải lập kế hoạch trước nhiều hơn, vì chúng cũng liên quan đến việc thảo luận và chia sẻ các nguồn lực. Bởi vậy, những mối quan hệ đối tác này sẽ hiệu quả nhất khi có đủ thời gian cho quá trình xây dựng lòng tin và cộng tác, hoặc khi đối tác là một tổ chức mà nhà trường/tổ chức cộng đồng đã biết từ trước vì từng có kinh nghiệm hợp tác trước đó.
  3. Biến đổi: những quan hệ đối tác liên quan đến nhiều đối tác và cách tiếp cận không nhất thiết phải được đặt ra và thống nhất trước. Phương hướng thực hiện có thể hình thành, thay đổi hoặc phát triển khi quá trình hợp tác diễn ra. Do đó, các đối tác cần xác định và thương lượng các thông số đánh giá quan hệ đối tác và các mục tiêu của sáng kiến một cách thường xuyên.

[Nguồn: The Partnering Initiative; UNDESA. 2019. Maximising the impact of partnerships for the SDGs: A practical guide to partnership value creation.]

Lời khuyên cho việc thiết lập quan hệ hợp tác cộng đồng

Khung chiến lược của UNICEF về quan hệ đối tác và hợp tác chỉ ra năm tiêu chí làm nền tảng cho việc hợp tác thành công với các đối tác:

  • Bình đẳng
  • Minh bạch
  • Tập trung vào kết quả
  • Có trách nhiệm
  • Có tính tương hỗ

Khung chiến lược cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các thỏa thuận rõ ràng, việc rà soát, giám sát và đánh giá thường xuyên, tuân thủ các quy tắc và thủ tục hiện hành nhằm củng cố sự bình đẳng và minh bạch, và một quy trình chấm dứt có thể dẫn đến việc ngừng quan hệ đối tác trong trường hợp cần thiết.

[Nguồn: United Nations. 2009. UNICEF strategic framework for partnerships and collaborative relationships.]