Triển khai GDGTTDTD ở cấp khu vực và quốc gia

Nhiều khu vực khác nhau trên thế giới đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc triển khai GDGTTDTD, từ việc thể hiện ý chí chính trị cao đến việc phát triển và đầu tư vào xây dựng chương trình GDGTTDTD:

  • Tây Âu đã đi tiên phong trong việc triển khai các chương trình giáo dục giới tính và tình dục trong trường học cách đây 50 năm. Các quốc gia như Thụy Điển, Na Uy và Hà Lan, với các chương trình giáo dục giới tính và tình dục trong nhà trường đã có từ lâu đời, có tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên thấp hơn đáng kể so với các quốc gia ở Đông Âu và Trung Á, nơi những cuộc thảo luận cởi mở về các vấn đề liên quan đến tính dục và sức khỏe sinh sản và tình dục và quyền trong trường học vẫn còn dè dặt.
  • Tại châu Âu, Văn phòng Khu vực của WHO đã đưa ra các Tiêu chuẩn về giáo dục giới tính và tình dục ở Châu Âu, trong đó cung cấp khuôn khổ để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý giáo dục và y tế và các bên liên quan khác trong việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng về giáo dục giới tính và tình dục trong toàn khu vực.
  • Cam kết cấp Bộ trưởng về GDGTTDTD và các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục cho vị thành niên và thanh thiếu niên ở Đông và Nam Phi đã được 21 quốc gia Đông và Nam Phi thông qua.
  • Tại Mỹ Latinh và Caribe, các bộ trưởng y tế và giáo dục đã đưa ra cam kết của họ đối với giáo dục giới tính và tình dục thông qua Tuyên bố Phòng ngừa thông qua Giáo dục được ký năm 2008. Các chính phủ cam kết lồng ghép các chiến lược và đảm bảo sự phối hợp giữa các Bộ ngành, nhất trí thực hiện và củng cố 'các chiến lược đa ngành về GDGTTDTD và nâng cao sức khỏe tình dục, bao gồm cả phòng chống HIV/STI'. Nhiều thông tin về GDGTTDTD ở Mỹ Latinh và Caribe được mô tả trong báo cáo Chính sách giáo dục giới tính và tình dục cho thanh thiếu niên khu vực Mỹ Latinh và Caribe: Đấu tranh nữ quyền trong việc xây dựng chương trình nghị sự công khai về giáo dục giới tính và tình dục.
  • Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có một môi trường chính sách thuận lợi cho việc triển khai giáo dục về HIV, hầu hết các quốc gia trong khu vực đã đưa thêm nhiều nội dung giáo dục giới tính và tình dục vào các chiến lược quốc gia về HIV.  Hội nghị Dân số và Phát triển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2013 đã cam kết tập trung đảm bảo quyền và sức khỏe tình dục và sinh sản cho tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm dân số nghèo và chịu thiệt thòi nhất, đồng thời công nhận sự cần thiết phải có đủ nguồn lực cho các chương trình giáo dục giới tính và tình dục.
Chính sách khu vực về Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện

 

  • Châu Á - Thái Bình Dương: 21 trong số 25 chiến lược/ kế hoạch quốc gia về HIV của các quốc gia có đề cập đến vai trò của giáo dục; đa số nhắm đến đối tượng thanh thiếu niên trong nhà trường, đề cập đến vấn đề phát triển năng lực của giáo viên và thúc đẩy giáo dục về HIV và kỹ năng sống. Campuchia và Papua New Guinea đã thiết lập các chính sách về HIV trong lĩnh vực giáo dục.
  • Đông Âu và Trung Á: Tất cả các quốc gia được đề cập trong báo cáo đánh giá đều có chính sách quốc gia hỗ trợ GDGTTDTD - ngoại trừ Uzbekistan, Kazakhstan và Liên bang Nga - qua đó cung cấp nền tảng cho việc thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe dựa trên kỹ năng sống, trong đó trọng tâm là giáo dục về HIV và SKSS/SKTD.
  • Tây Phi và Trung Phi: Hầu hết các quốc gia trong báo cáo đánh giá đều có chính sách của ngành giáo dục về HIV và AIDS, và được hoàn thiện bằng chiến lược tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện chương trình giáo dục giới tính, tình dục và HIV dựa trên kỹ năng sống. Các nghiên cứu SERAT cho thấy, 12 trong số 13 quốc gia có kế hoạch hỗ trợ việc thực hiện chương trình giáo dục giới tính và tình dục.
  • Mỹ Latinh và Caribe: Năm 2008, các Bộ trưởng trong lĩnh vực y tế và giáo dục đã ký một tuyên bố khẳng định nhiệm vụ quốc gia giáo dục về HIV và tình dục trong nhà trường, cũng như tán thành sự sẵn có ngày càng tăng của các dịch vụ sức khỏe sinh sản thân thiện với trẻ vị thành niên.
  • Đông và Nam Phi: Các Bộ trưởng trong lĩnh vực Y tế và Giáo dục từ 20 quốc gia đã khẳng định và thông qua Cam kết cấp Bộ trưởng về các dịch vụ GDGT&TDTD và SKSS/SKTD cho thanh thiếu niên và trẻ vị thành niên vào tháng 12 năm 2013, trong đó đặt ra các mục tiêu cụ thể để đảm bảo khả năng tiếp cận của tất cả thanh thiếu niên đối với các chương trình giáo dục chất lượng cao, toàn diện về HIV và tình dục dựa trên kỹ năng sống, cũng như các dịch vụ y tế thân thiện và phù hợp cho thanh thiếu niên.
     

[Nguồn: UNESCO, 2015. Emerging evidence, lessons and practice in comprehensive sexuality education: a global review, p.33.]

Cuối năm 2018, với sự hỗ trợ của UNFPA, Ghana đã ban hành hướng dẫn về giáo dục toàn diện về giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản trong các chương trình thực hiện trong cộng đồng và trong nhà trường, nhằm tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện các chương trình này 'với sự tự tin và thấu cảm'. Những thay đổi đáng kể trong bối cảnh kinh tế và xã hội, trong đó có vai trò ngày càng tăng của phương tiện truyền thông xã hội, đã thúc đẩy việc phát triển các hướng dẫn này. Các hướng dẫn bao gồm 9 học phần và 60 chủ đề được sắp xếp theo lớp và độ tuổi. Các học phần này có thể được giảng dạy thông qua một môn học độc lập hoặc có thể được tích hợp vào các môn học khác nhau trong giáo dục bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Việc chuẩn bị các hướng dẫn này được thực hiện sau khi tiến hành đánh giá chương trình giảng dạy ở Ghana và một số quốc gia được chọn khác, các buổi phỏng vấn, các bài tập xác nhận và quá trình tham vấn rộng rãi. Chính phủ và UNFPA cũng đã tiếp cận với các phương tiện truyền thông để phổ biến các hướng dẫn cho đông đảo công chúng và kêu gọi các nhà báo đưa tin có trách nhiệm hơn về các vấn đề liên quan đến trẻ em gái vị thành niên. 
Với việc công nhận các nhà lãnh đạo tôn giáo của đất nước là bên liên quan chính trong các vấn đề về sức khỏe sinh sản và tình dục, một hội nghị thượng đỉnh quốc gia đã được tổ chức vào năm 2018 trong đó đề cập đến việc áp dụng các hướng dẫn này. Hội nghị kết thúc với cam kết của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc tăng cường chia sẻ kiến thức và nỗ lực vận động về GDGTTDTD.

Nguồn: Bộ Giáo dục Ghana (2018), UNFPA (2018a; 2018b).

[Nguồn: GEM Report Team. 2019. Facing the facts: the case for comprehensive sexuality education, p.12.]

Scotland đã đưa GDGT&TDTD vào giảng dạy trong chương trình chính quy, qua đó thể hiện ưu tiên chú trọng đến sức khỏe và hạnh phúc. Scotland đã phát triển một khung chính sách lấy sức khỏe và hạnh phúc làm trọng tâm của chương trình giảng dạy trong nhà trường và là trọng tâm của việc học tập của trẻ em, bên cạnh khả năng đọc viết và làm toán. Khuôn khổ được hỗ trợ bởi luật pháp và chính sách bao gồm Đạo luật Trẻ em và Thanh niên năm 2014 (Scotland), nhằm cải thiện hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên thông qua sự công nhận một cách nhất quán và hệ thống quyền của các em, tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em. Theo Chương trình giáo dục quốc gia Scotland, giáo viên tất cả các bộ môn và toàn bộ nhân viên tại các nhà trường phải đưa vấn đề về sức khỏe và hạnh phúc, khả năng đọc viết và tính toán trong các bài học và trong quá trình làm việc thực tế.
Chương trình giảng dạy về sức khỏe và hạnh phúc bao gồm các mối quan hệ, sức khỏe tình dục và làm cha mẹ. Việc thực hiện chương trình giảng dạy dựa trên tám chỉ số về hạnh phúc: an toàn; khỏe mạnh; thành đạt; trưởng thành; tích cực; có trách nhiệm; tôn trọng; và hoà nhập. Do mỗi đứa trẻ là duy nhất, không có "mức độ" cố định nào về sự hạnh phúc mà đứa trẻ cần đạt được. Thay vào đó, các chỉ số này nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và được cá nhân hóa hoàn toàn, đồng thời đảm bảo tính nhất quán trong cách giáo viên nhìn nhận chất lượng cuộc sống của mỗi học sinh. Điều này cho phép giáo viên không chỉ đáp ứng linh hoạt với tình hình địa phương mà cả hoàn cảnh đặc biệt của các học sinh.
Bộ Giáo dục Scotland công nhận rằng chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong việc giảng dạy giữa các nhà trường, bởi Chương trình giảng dạy quốc gia Scotland dựa trên nhu cầu của người học ở cấp địa phương và cân nhắc các ưu tiên về sức khỏe và hạnh phúc. Mặc dù có những kỳ vọng rõ ràng mức độ tiến bộ của trẻ em, tuy nhiên các giáo viên, hiệu trưởng và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục được trao quyền quyết định về nội dung giảng dạy và hình thức giảng dạy.
Nguồn: O'Neill (2017).

[Nguồn: GEM Report Team. 2019. Facing the facts: the case for comprehensive sexuality education, p.13.]