Ghi chép và truyền thông về kết quả

Lý do cần ghi chép về kết quả triển khai chương trình GDGTTDTD

Việc ghi chép kết quả là rất quan trọng vì một số lý do sau:

  • Những kết quả này là minh chứng cho những tác động từ sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo và các thành viên cộng đồng đối với một chương trình, qua đó cho thấy sự cần thiết phải duy trì và tăng cường sự hỗ trợ này. 
  • Những kết quả này tạo giúp các nhà lãnh đạo cộng đồng và các bên liên quan, bao gồm cả các nhà tài trợ, nắm được rằng sự đầu tư về thời gian và nguồn lực của họ có hiệu quả.
  • Tất cả các hoạt động trong quá trình triển khai phải được coi là các bước trong một quá trình liên tục. Bên cạnh các bài học kinh nghiệm được rút ra, việc lưu giữ kết quả còn tạo tiền đề cho hoạt động triển khai kế tiếp và bổ sung, cũng như các kế hoạch và quy trình mở rộng quy mô.

Do toàn bộ tiến trình và kết quả đều được ghi lại, điều quan trọng là phải chia sẻ với các thành viên của cộng đồng. Một số điều cần cân nhắc khi chia sẻ về việc thực hiện chương trình GDGTTDTD:

  • Thời gian: Lập kế hoạch về tần suất chia sẻ với cộng đồng về chương trình và công khai kế hoạch đó. Điều này sẽ đặt ra kỳ vọng về việc các bên liên quan sẽ lắng nghe những người tham gia thực hiện chia sẻ về chương trình. Kế hoạch này cần có sự linh hoạt; ví dụ: nếu một người tham gia thực hiện chương trình có kế hoạch cập nhật thông tin về chương trình trong quá trình triển khai nhưng lại nhận được những câu hỏi từ phía cộng đồng, người đó cần đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và đưa ra một kế hoạch cập nhật bổ sung.
  • Mức độ chi tiết: Trừ khi chương trình đã hoàn thành xong và các tác động của nó đã được xem xét hoặc đánh giá, tốt nhất nên chờ trước khi chia sẻ về việc liệu một hoạt động triển khai cụ thể có thể được coi là 'thành công' hay không, trên cơ sở các mục đích và mục tiêu đề ra ban đầu.
  • Số lượng và trọng tâm của các thông điệp: Các thông điệp về một chương trình có thể bao gồm thông điệp chính và phụ. Thông điệp chính là tuyên bố mang tính thuyết phục nhất dành cho tất cả các đối tượng (ví dụ: sự cần thiết của việc giảm tỉ lệ nhiễm HIV). Khi một đối tượng cụ thể cần nhận được sự động viên khuyến khích, các thông điệp phụ sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho thông điệp chính. Thông điệp phụ thường giải thích cách thức thực hiện các mục tiêu của thông điệp chính. Một số thông điệp phụ có thể được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của người nghe. Ví dụ, 'Những người học tham gia chương trình GDGTTDTD đều thể hiện được kiến thức và khả năng sử dụng bao cao su.'

[Phỏng theo: UNICEF. 2010. Advocacy toolkit: a guide to influencing decisions that improve children’s lives.]

Những gợi ý đối với việc truyền thông về một chương trình GDGTTDTD

  • Sử dụng dẫn chứng để viết 'báo cáo tóm tắt' về GDGTTDTD và nêu lý do tại sao nó lại phù hợp với đối tượng thanh thiếu niên ở một quốc gia hoặc một cộng đồng cụ thể. Báo cáo này cần bao gồm những khuyến nghị về việc GDGTTDTD có thể được cải thiện nhờ các chương trình về GDGTTDTD trong tương lai như thế nào. Các báo cáo tóm tắt có thể được soạn thảo với sự phối hợp cùng các tổ chức đối tác, cơ quan y tế địa phương hoặc tổ chức thanh niên.
  • Trong trường hợp chương trình hợp tác với một tổ chức xã hội dân sự (CSO) hoặc các nhóm có vai trò tương tự, hãy đưa ra một tuyên bố chính thức về quan điểm của tổ chức đó liên quan đến GDGTTDTD và khuyến khích các tổ chức đối tác khác làm giống như vậy.
  • Tổ chức các buổi giới thiệu với công chúng về các báo cáo hoặc các tuyên bố về quan điểm của tổ chức, lấy đó làm cơ hội để tập hợp những người lãnh đạo và các thanh thiếu niên lại với nhau để chia sẻ những kiến thức chuyên môn và những sự hỗ trợ. Sử dụng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội để tạo các hashtag, các mẩu tin trên Instagram và các tweet trực tiếp về sự kiện để tiếp cận đông đảo khán giả.
  • Tương tác với giới truyền thông bằng cách chia sẻ các bài báo và thông cáo báo chí với các đài truyền hình, đài phát thanh và các tòa báo địa phương/ quốc gia, đồng thời đảm bảo việc tương tác với các thanh thiếu niên, những người có thể nói về tác động của chương trình cũng như tầm quan trọng của GDGTTDTD.
  • Tương tác với những người ủng hộ GDGTTDTD khác trên toàn thế giới bằng cách chia sẻ các hành động và kinh nghiệm trên các cộng đồng trực tuyến như Cổng thông tin Trực tuyến Toàn cầu vận động về Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện.

[Phỏng theo: IPPF; The PACT. 2017. We demand more! A sexuality education advocacy handbook for young people.]

Bảng sau đây có thể được sử dụng để xác định các thông điệp hữu ích nhằm chia sẻ với các nhóm và các tổ chức cộng đồng:

THÔNG ĐIỆP CHÍNH: Tuyên bố + dẫn chứng + ví dụ + mục tiêu + hành động cần thực hiện
ĐỐI TƯỢNG HƯỚNG TỚI CÁC MỐI QUAN TÂM NHỮNG THÔNG ĐIỆP CÓ THỂ ĐƯỢC ĐƯA RA
Ví dụ: Những người ra quyết sách (các bộ trưởng, các nhà lập pháp, các nhà quản trị, những người lãnh đạo tập đoàn)    
Ví dụ: Các nhà tài trợ (các quỹ, các cơ quan hợp tác song phương, các cơ quan hợp tác đa phương)    
Ví dụ: Các nhà báo    
Ví dụ: Các tổ chức xã hội dân sự    
Ví dụ: Các tổ chức hoạt động về các vấn đề liên quan như Công đoàn    
Ví dụ: Công chúng    
Ví dụ: Những người có ảnh hưởng tới dư luận (các lãnh đạo tôn giáo, các lãnh tụ và các nhà lãnh đạo truyền thống/ các nhà lãnh đạo trong cộng đồng)    

[UNICEF. 2010. Advocacy toolkit. A guide to influencing decisions that improve children's lives, p. 46.]