Sự tham gia của cộng đồng bao gồm những gì?

Các bước để vận động sự tham gia của cộng đồng

  • Hiểu rõ về cộng đồng để biết các cá nhân và tổ chức nào có thể hỗ trợ triển khai chương trình và trở thành đối tác tiềm năng;
  • Xây dựng niềm tin trong cộng đồng, đặc biệt là với thanh thiếu niên, những người sẽ trở thành đối tượng hưởng lợi từ chương trình GDGTTDTD;
  • Bắt đầu những cuộc thảo luận với cộng đồng để lắng nghe ý kiến đóng góp và biết được các mối quan tâm của cộng đồng, đồng thời giúp cộng đồng quen với các chương trình GDGTTDTD;
  • Đưa ra các thông điệp và nội dung phản ánh niềm tin tôn giáo và văn hóa trong cộng đồng, đồng thời sử dụng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của thanh thiếu niên;
  • Thường xuyên chia sẻ, cung cấp cho cộng đồng những thông tin mới nhất về chương trình.

Một số lời khuyên để thực hiện các bước này một cách hiệu quả

Chuẩn bị: hãy hiểu rõ cộng đồng của bạn
  • Tìm hiểu và kết nối với các thành viên cộng đồng để hiểu bối cảnh, thực trạng, cấu trúc và những không gian an toàn của họ; tìm hiểu những quan điểm ủng hộ và những kiến thức chính xác hiện có về tính dục ở trẻ vị thành niên.
  • Dành thời gian tìm hiểu thanh thiếu niên - ví dụ, những ai đã quan hệ tình dục (và ở độ tuổi nào), những dữ liệu nào có sẵn, liệu có phải tình dục chỉ diễn ra sau khi đã kết hôn, đâu là những mối quan tâm của thanh thiếu niên và họ gặp phải những vấn đề gì?
  • Tìm hiểu các khả năng hợp tác, bao gồm cả với các tổ chức học tập, các nhà cung cấp dịch vụ, YouTuber và các cộng đồng trực tuyến khác (nếu có liên quan).
  • Phát triển các chiến lược để kết nối với cha mẹ, gia đình và cộng đồng, chứ không chỉ với thanh thiếu niên.
  • Tiếp cận và phát triển quan hệ hợp tác với các nhóm cộng đồng có liên kết với những đối tượng thụ hưởng dự kiến.
  • Thu hút các nhóm thanh thiếu niên khác nhau tham gia vào việc phát triển nội dung GDGTTDTD và giải quyết những phản hồi của thanh niên về các chương trình GDGTTDTD hiện nay và các chương trình trước. 
  • Gặp gỡ các giáo viên và các lãnh đạo cộng đồng khác để tìm hiểu xem cần có những điều chỉnh nào đối với chương trình GDGTTDTD trên cơ sở những kinh nghiệm trong quá khứ.
Xây dựng lòng tin
  • Thu hút sự tham gia của các thành viên cộng đồng - bao gồm cả thanh thiếu niên - vào cuộc thảo luận. Cha mẹ, giáo viên, các lãnh đạo tôn giáo, các tấm gương và các nhà cung cấp dịch vụ là những các bên liên quan có tác động đến khả năng tiếp cận GDGTTDTD của thanh thiếu niên. Điều quan trọng là phải kết nối với họ để chống lại những thông tin sai lệch và xóa tan những lầm tưởng cũng như quan niệm sai lầm về sức khỏe sinh sản và tình dục, thông qua việc trích dẫn các bằng chứng đã được công bố bất cứ khi nào có thể.
  • Xác định những thanh thiếu niên có thể được đào tạo để trở thành những người (đồng) điều phối các cuộc thảo luận. Lòng tin đến từ việc hợp tác bình đẳng; thanh thiếu niên sẽ tin tưởng bạn nếu bạn tin tưởng họ. Hãy kết nối với họ trong quá trình lên kế hoạch cho các cuộc thảo luận.
  • Tạo hoặc tìm không gian an toàn để tương tác với các thành viên trong cộng đồng (ví dụ như địa điểm họp hiện có, các không gian trực tuyến).
Bắt đầu các cuộc thảo luận với cộng đồng
  • Mở một cuộc thảo luận để tìm ra những vấn đề cấp bách nhất trong cộng đồng liên quan đến tính dục cũng như sức khỏe sinh sản và tình dục.
  • Giới thiệu nội dung GDGTTDTD mà bạn muốn thảo luận. Hãy đảm bảo rằng bạn có đủ thời gian để trả lời các câu hỏi và giải quyết các mối quan tâm của phụ huynh và những người khác. Một số chủ đề ví dụ như khoái cảm tình dục sẽ cần nhiều thời gian hơn để giải thích; Do đó, hãy chuẩn bị sẵn sàng!
  • Khi bạn đã tạo ra được sự cởi mở khi chia sẻ về sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như những định hướng chung về GDGTTDTD, hãy kêu gọi sự tham gia của cộng đồng vào việc thiết kế, thực hiện và giám sát chương trình GDGTTDTD.
  • Những cuộc đối thoại giữa các thế hệ có thể giúp cộng đồng thay đổi quan niệm và thể hiện ủng hộ đối với các quyền cũng như sức khỏe sinh sản và tình dục của thanh thiếu niên.
     
Xây dựng các thông điệp và nội dung
  • Tìm hiểu và kết nối với các lãnh đạo tôn giáo và các học giả ủng hộ các quyền và sức khỏe tình dục và sinh sản nhằm đưa ra những thông điệp tích cực về việc các giáo lý có thể hỗ trợ và có thể tích hợp một cách thống nhất với những vấn đề nhạy cảm trong GDGTTDTD như thế nào. 
  • Việc sử dụng ngôn ngữ trong quá trình xây dựng nội dung và thông điệp cho các chương trình GDGT&TDTD là rất quan trọng - cố gắng tránh mọi ngôn ngữ/ từ ngữ nào mang tính chủ quan hoặc thiên vị hoặc có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.
  • Thảo luận về những từ ngữ nào được sử dụng trong ngôn ngữ địa phương để đảm bảo rằng ngôn ngữ đó thể hiện được sự tôn trọng, tính chính xác và không mang định kiến.
  • Thảo luận về cách bạn có thể đảm bảo rằng nội dung kiến thức phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của người học.
  • Thảo luận về cách các giáo viên, phụ huynh và các thành viên khác trong cộng đồng có thể theo dõi các bài học mà bạn muốn cung cấp và giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi trả lời các câu hỏi khó.
     
Tiếp tục chia sẻ thông tin

Cập nhật cho các thành viên cộng đồng về tiến độ triển khai chương trình, cũng như những thay đổi trong kế hoạch triển khai, cũng như những thách thức và ý tưởng để cải thiện việc giảng dạy về GDGTTDTD.

    [Nguồn: IPPF. 2017. Deliver + enable toolkit: Scaling-up comprehensive sexuality education (CSE).]

    Phân tích các bên liên quan và quyền lực

    Việc phân tích các bên liên quan sẽ giúp bạn biết được những tổ chức và cá nhân nào có liên quan đến việc thực hiện chương trình GDGTTDTD, cũng như lợi ích, sự ủng hộ hay phản đối, ảnh hưởng và tầm quan trọng của họ. Việc xác định được được quan điểm các bên liên quan về vấn đề này có thể giúp các sáng kiến về GDGTTDTD tránh được những bất ngờ và giả định sai lầm.

    Nhiều phương pháp thu thập thông tin khác nhau có thể được sử dụng để phân tích các bên liên quan như lập sơ đồ mối quan hệ giữa các nhóm trong cộng đồng, khảo sát và phỏng vấn với các bên liên quan chính và các tổ chức hợp tác như các tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra có thể áp dụng một số phương pháp khác như tổ chức hội thảo với các bên liên quan và các buổi tham vấn không chính thức với các bên liên quan thông qua chuyến thăm đến các hộ gia đình.

    Năm bước phân tích các bên liên quan

     

    1. Xác định các bên liên quan (cá nhân, nhóm và tổ chức)

    • Ai có khả năng hưởng lợi từ những thay đổi đề ra?
    • Ai có thể bị ảnh hưởng bất lợi?
    • Ai có quyền thực hiện các thay đổi?
    • Ai phàn nàn về vấn đề này?
    • Những nhóm nào dễ bị tổn thương có thể bị ảnh hưởng bởi dự án ?
    • Ai là bên liên quan chính và ai là bên liên quan thứ cấp trong vấn đề này?
    • Ai là người có quyền và ai là người có nghĩa vụ?
    • Mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm và tổ chức được nêu trong các câu hỏi trên là gì?

    2. Đánh giá lợi ích của các bên liên quan

    Sau khi các bên liên quan chính đã được xác định, có thể xem xét lợi ích mà những nhóm hoặc các cá nhân có thể có được trong vấn đề này là gì:

    • Kỳ vọng của các bên liên quan đối với dự án là gì?
    • Dự án có mang lại những lợi ích nào cho các bên liên quan?
    • Những nguồn lực nào mà các bên liên quan có thể có và sẵn sàng huy động?
    • Những lợi ích nào của các bên liên quan có thể mâu thuẫn với các mục tiêu của dự án?

    3. Đánh giá sự ủng hộ hoặc phản đối của các bên liên quan đối với vấn đề GDGTTDTD

    Để có thể đánh giá sự ủng hộ hay phản đối của các bên liên quan đối với một vấn đề, cần phải trả lời những câu hỏi sau:

    • Các bên liên quan có công khai ủng hộ hay phản đối vấn đề này hay không?
    • Sự ủng hộ hay phản đối một cách công khác có khác với sự ủng hộ hay phản đối một cách kín đáo?
    • Các bên liên quan có ủng hộ hoặc phản đối bên nào khác hay không?
    • Điều đó có lý giải cho sự ủng hộ hay phản đối của các bên liên quan đối với vấn đề này hay không?
    • Quan điểm của các bên về các vấn đề tương tự là gì?
    • Quan điểm của các bên liên quan có thay đổi theo thời gian không? Nếu có, những quan điểm đó đã thay đổi như thế nào?

    4. Đánh giá tầm ảnh hưởng của các bên liên quan

    Để đánh giá ảnh hưởng của các bên liên quan, những người lập kế hoạch tuyên truyền vận động cần biết:

    • Quyền lực chính trị, xã hội và kinh tế và vị thế của các bên liên quan là gì?
    • Các bên liên quan đó được tổ chức như thế nào?
    • Các bên liên quan đó có tầm ảnh hưởng gián tiếp như thế nào?

    5. Đánh giá tầm quan trọng của các bên liên quan

    Mặc dù tầm quan trọng của các bên liên quan và ảnh hưởng của họ đối với một vấn đề có vẻ giống nhau, nhưng trên thực tế lại rất khác nhau. Tầm ảnh hưởng phản ánh sức mạnh trực tiếp của một bên liên quan để tác động tạo ra sự thay đổi. Trong khi đó, tầm quan trọng phản ánh sự cần thiết phải thu hút sự tham gia của các bên liên quan nhằm giải quyết các nguyên nhân sâu xa của một vấn đề và từ đó đạt được sự thay đổi bền vững. Việc phân tích tầm quan trọng của các bên liên quan cũng thống nhất với phương pháp tiếp cận trên cơ sở các quyền. Ví dụ, tuy không phải lúc nào trẻ em cũng có ảnh hưởng lớn trong các cuộc thảo luận chính sách, nhưng điều quan trọng là các em tham gia vào quá trình thảo luận đó. 

    • Liệu vấn đề có ảnh hưởng đến quyền của các bên liên quan hay không và các bên liên quan có quyền đưa ra các giải pháp cho vấn đề hay không? Bên liên quan có phải là người có quyền không?
    • Liệu sự tham gia của các bên liên quan có giúp giải quyết các nguyên nhân sâu xa của vấn đề, qua đó giúp đảm bảo tính bền vững của các giải pháp trong tương lai không?