Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện là gì?

Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện (GDGTTDTD) là một quá trình dạy và học tích hợp trong chương trình giáo dục về các khía cạnh nhận thức, tâm lý, thể chất và xã hội của giới tính và tình dục. GDGTTDTD hướng tới trang bị cho trẻ em và thanh thiếu niên các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị cần thiết để giúp các em: nhận thức được sức khoẻ, lợi ích và giá trị con người của bản nhân mình; hình thành các mối quan hệ xã hội và quan hệ tình dục trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau; nhận thức được lựa chọn của mình ảnh hưởng tới bản thân và người khác như thế nào; nhận thức cũng như đảm bảo việc bảo vệ các quyền của mình trong suốt cuộc đời.

[Nguồn: UNESCO. 2018. Hướng dẫn kỹ thuật quốc tế về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, tr.16-17, bản dịch tiếng Việt]

Tùy thuộc vào mỗi quốc gia hoặc khu vực, Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện (GDGTTDTD) có thể có những tên gọi khác nhau như giáo dục ‘kỹ năng sống’, giáo dục về ‘cuộc sống gia đình’, hoặc giáo dục về ‘HIV’, đôi khi còn được gọi là 'giáo dục giới tính và tình dục tổng thể'. Điều quan trọng là phải xác nhận với các Bộ, ngành về tên gọi họ sử dụng để mô tả Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, bởi các thuật ngữ dựa trên ngữ cảnh cụ thể có thể cung cấp cách tiếp cận hiệu quả nhất trong quá trình hợp tác và hỗ trợ các Bộ, ngành này.

Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện:

  • Được giảng dạy trong các môi trường chính quykhông chính quy, trong hoặc ngoài trường học;
  • Chính xác về mặt khoa học, dựa trên nghiên cứu, dữ kiện thực tế và bằng chứng;
  • Có tính chất tăng tiến về nội dung, GDGTTDTD bắt đầu được giảng dạy từ khi trẻ còn bé với những nội dung và kỹ năng nền tảng, sau đó cung cấp những thông tin mới trên nền tảng kiến thức đã học trước đó, và áp dụng cách tiếp cận chương trình theo mô hình xoắn ốc với việc quay lại các chủ đề cũ ở cấp độ nâng cao hơn qua từng năm; 
  • Phù hợp với lứa tuổi và mức độ phát triển, với những nội dung và kỹ năng có độ khó và độ trực diện tăng dần theo độ tuổi và mức độ phát triển của người học; GDGTTDTD thừa nhận sự đa dạng trong mức độ phát triển; điều chỉnh nội dung một cách phù hợp với sự phát triển về nhận thức và cảm xúc của người học; 
  • Lồng ghép trong chương trình giáo dục, thực hiện theo một chương trình cụ thể gồm các mục tiêu giảng dạy và mục tiêu học tập chính, đồng thời trình bày các nội dung và kỹ năng một cách rõ ràng và có hệ thống; 
  • Có tính toàn diện chứ không đơn thuần là các hành vi tình dục.

Khía cạnh toàn diện của GDGTTDTD để chỉ phạm vi và chiều sâu các chủ đề và nội dung được truyền tải một cách nhất quán tới người học theo thời gian trong suốt quá trình học tập của các em, thay vì các biện pháp can thiệp hoặc các bài học một lần duy nhất. GDGTTDTD đề cập tới những vấn đề sức khỏe tình dục và sinh sản, bao gồm nhưng không giới hạn, ví dụ như:

  • Đặc điểm giải phẫu và chức năng của hệ sinh dục;
  • Dậy thì và kinh nguyệt;
  • Sinh sản, các biện pháp tránh thai, việc có thai và sinh con;
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), trong đó có HIV/AIDS.

Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cũng đề cập tới các vấn đề tâm lý, xã hội và tình cảm liên quan đến các chủ đề này, bao gồm những chủ đề có thể mang tính nhạy cảm tại một số môi trường xã hội và văn hoá. Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện góp phần thúc đẩy quyền lợi của người học khi giúp các em nâng cao kỹ năng phân tích, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng sống khác cần thiết cho sức khỏe và lợi ích cá nhân liên quan tới: 

  • Tính dục
  • Quyền con người
  • Các mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau giữa gia đình và giữa các cá nhân 
  • Các giá trị bản thân và giá trị phổ quát 
  • Chuẩn mực văn hóa và xã hội
  • Bình đẳng giới
  • Không phân biệt đối xử
  • Hành vi tình dục
  • Bạo lực và bạo lực trên cơ sở giới,
  • Sự đồng thuận và bất khả xâm phạm về cơ thể,
  • Xâm hại tình dục và các thông lệ tiêu cực khác như tảo hôn và cưỡng ép kết hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ.

Các giá trị chính của Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện

Cách tiếp cận quyền con người

GDGTTDTD được xây dựng dựa trên và thúc đẩy nhận thức về các quyền con người nói chung, bao gồm các quyền của trẻ em và thanh thiếu niên. GDGTTDTD nhấn mạnh các quyền của tất cả mọi người trong vấn đề sức khỏe, giáo dục, bình đẳng về tiếp cận thông tin và không phân biệt đối xử. GDGTTDTD khuyến khích các em nhận biết được các quyền của bản thân mình, công nhận và tôn trọng quyền của người khác, và tham gia việc vận động cho những người bị xâm hại về quyền lợi.

Bình đẳng giới

Việc lồng ghép góc độ giới trong toàn bộ chương trình GDGTTDTD là điều thiết yếu để đảm bảo tính hiệu quả của các chương trình GDGTTDTD. GDGTTDTD xem xét sự chi phối của các chuẩn mực giới đối với sự bất bình đẳng, và ảnh hưởng của bất bình đẳng tới sức khỏe và lợi ích của trẻ em và thanh, thiếu niên, cũng như tới các nỗ lực nhằm ngăn chặn các vấn đề như HIV, mắc các bệnh STI, mang thai sớm hoặc mang thai ngoài ý muốn và bạo lực trên cơ sở giới. GDGTTDTD góp phần hình thành bình đẳng giới thông qua nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giới và đa dạng giới trong cuộc sống; xem xét các chuẩn mực giới được định hình bởi sự khác biệt và tương đồng về văn hoá, xã hội và sinh học; cũng như khuyến khích việc hình thành các mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau dựa trên sự cảm thông và thấu hiểu.

Phù hợp với văn hóa và bối cảnh địa phương

GDGTTDTD phải được giảng dạy trong môi trường tồn tại nhiều hệ giá trị, niềm tin và kinh nghiệm khác nhau, có thể ngay cả trong một nền văn hóa duy nhất. GDGTTDTD cho phép người học đánh giá, nhận thức và thách thức những ảnh hưởng của các cấu trúc, chuẩn mực và hành vi văn hóa trong các lựa chọn về mối quan hệ của mỗi cá nhân trong tình huống cụ thể.

Làm thay đổi

GDGTTDTD tác động đến toàn bộ nền văn hóa và cộng đồng, chứ không chỉ cá nhân người học. GDGTTDTD góp phần hình thành một xã hội công bằng và bác ái bằng cách trao quyền cho cá nhân và cộng đồng, thúc đẩy các kỹ năng tư duy phản biện và củng cố quyền công dân của giới trẻ. GDGTTDTD trao quyền cho giới trẻ để các em có trách nhiệm đối với các hành vi và quyết định của bản thân, và hiểu về cách các em làm có thể ảnh hưởng tới người khác. GDGTTDTD giúp các em hình thành các kỹ năng và thái độ để đối xử với người khác theo hướng tôn trọng, bao dung và hài hòa bất luận dân tộc, chủng tộc, địa vị xã hội, kinh tế hoặc nhập cư, tôn giáo, khuyết tật, xu hướng tính dục, bản dạng giới, biểu hiện giới hoặc các đặc điểm giới tính.

Phát triển bản thân hiệu quả

GDGTTDTD giúp giới trẻ có khả năng nhận thức và đưa ra những quyết định có cơ sở, khả năng giao tiếp, đàm phán hiệu quả và thể hiện sự quyết đoán của mình. Các kỹ năng này có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên hình thành những mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau với các thành viên trong gia đình, bạn bè đồng lứa, bạn bè nói chung, người yêu/bạn tình.

[Nguồn: UNESCO. 2018. Hướng dẫn kỹ thuật quốc tế về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, tr.16-17, bản dịch tiếng Việt]

"Tính dục" được hiểu là "một khía cạnh cốt lõi của con người, bao gồm sự nhận thức và mối quan hệ đối với cơ thể; cảm xúc gắn bó và tình yêu; giới tính; giới; bản dạng giới; xu hướng tính dục; thân mật về tình dục; khoái cảm và sinh sản. Tính dục rất phức tạp, trong đó bao gồm các chiều cạnh về sinh học, xã hội, tâm lý, tâm hồn, tôn giáo, chính trị, pháp lý, lịch sử, đạo đức và văn hoá mà có thể phát triển và thay đổi trong suốt cuộc đời của một người."

[Nguồn: UNESCO. 2018. Hướng dẫn kỹ thuật quốc tế về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, tr.17, bản dịch tiếng Việt]

Thuật ngữ “tính dục” có nhiều ý nghĩa khác nhau tuỳ theo ngôn ngữ và văn hoá. Do sự đa dạng này, các khía cạnh tính dục dưới đây cần phải được xem xét trong khuôn khổ GDGTTDTD:

  • Bên cạnh khía cạnh sinh học, tính dục cũng dùng để chỉ ý nghĩa cá nhân và xã hội của các mối quan hệ tình dục và quan hệ giữa người với người. Đây là một trải nghiệm mang tính chủ quan và là một phần của nhu cầu con người đòi hỏi sự thân mật và riêng tư.
  • Đồng thời, tính dục cũng là một sản phẩm xã hội, dễ hiểu nhất trong sự đa dạng về quan niệm, thông lệ, hành vi và bản dạng. “Tính dục được định hình ở cấp độ các hành vi cá nhân, chuẩn mực và giá trị văn hoá” (Weeks, 2011).
  • Tính dục gắn liền với quyền lực. Ranh giới cao nhất của quyền lực là khả năng kiểm soát cơ thể bản thân. GDGTTDTD có thể nghiên cứu về mối quan hệ giữa tính dục, giới và quyền lực, cũng như các khía cạnh chính trị và xã hội của mối quan hệ này. Nội dung này đặc biệt phù hợp đối với người học lớn tuổi hơn.
  • Những kỳ vọng điều chỉnh hành vi tình dục thay đổi tùy theo nền văn hoá. Một số hành vi được coi là có thể chấp nhận hoặc đáng mong muốn, trong khi một số khác lại được coi là không thể chấp nhận được. Nói như vậy không có nghĩa các hành vi này sẽ không xảy ra hoặc sẽ không được đưa vào xem xét trong khuôn khổ nội dung giáo dục giới tính.
  • Tính dục luôn hiện diện trong cuộc sống một người, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và có mối quan hệ tương tác với sự trưởng thành về thể chất, cảm xúc và nhận thức. Giáo dục là công cụ chính nhằm thúc đẩy tính dục tích cực, đồng thời chuẩn bị cho trẻ em và thanh thiếu niên hình thành các mối quan hệ lành mạnh và có trách nhiệm ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. 

[Nguồn: UNESCO. 2018. Hướng dẫn kỹ thuật quốc tế về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, tr. 17, bản dịch tiếng Việt]

Các thành tố chính của sức khỏe tình dục

Khi được nhìn nhận một cách tổng thể và tích cực:

  • Sức khỏe tình dục gắn liền với hạnh phúc, chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật.
  • Sức khỏe tình dục liên quan đến sự tôn trọng lẫn nhau, an toàn và không bị phân biệt đối xử và bạo lực.
  • Sức khỏe tình dục phụ thuộc vào việc đảm bảo thực hiện các quyền con người cụ thể.
  • Sức khỏe tình dục hiện diện trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân, không chỉ đối với những người đang trong độ tuổi sinh sản, mà còn đối với cả người trẻ và người già.
  • Sức khỏe tình dục được thể hiện thông qua tính dục và các hình thức biểu hiện đa dạng.
  • Sức khỏe tình dục chịu nhiều ảnh hưởng từ các chuẩn mực giới, vai trò, kỳ vọng và động lực quyền lực.
  • Sức khỏe tình dục cần được nhìn nhận trong bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị cụ thể.