Khung tiêu chuẩn cho GDGTTDTD

Nhận thức bối cảnh thực hiện GDGTTDTD

Một môi trường pháp lý và cơ chế chính sách thuận lợi có vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao sức khỏe tình dục. Tuy còn nhiều điều có thể làm được để đảm bảo rằng nội dung và việc giảng dạy chương trình GDGTTDTD mang lại lợi ích cho tất cả thanh thiếu niên, ngày càng có nhiều cam kết chính trị trên toàn thế giới trong việc cung cấp chương trình GDGTTDTD. Phần lớn các quốc gia hiện đã chấp nhận các kết quả nghiên cứu và khuyến nghị thể hiện hiệu quả của các chương trình GDGTTDTD, đồng thời các quốc gia cũng đang tìm cách củng cố việc triển khai các chương trình GDGTTDTD ở cấp quốc gia.

[Nguồn: UNESCO. 2015. Emerging evidence, lessons and practice in comprehensive sexuality education: a global review, 2015.]

Các quốc gia đã cam kết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc 'thúc đẩy những nỗ lực mở rộng quy mô giáo dục toàn diện, chính xác về mặt khoa học, phù hợp với lứa tuổi và bối cảnh văn hóa, giúp cung cấp cho trẻ em gái và trẻ em trai độ tuổi vị thành niên cũng như cho phụ nữ và nam giới trẻ tuổi trong và ngoài trường học... những thông tin về sức khỏe tình dục và sinh sản, phòng chống HIV, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, quyền con người, phát triển thể chất và tâm lý, những thay đổi ở tuổi dậy thì, quyền lực trong các mối quan hệ giữa phụ nữ và đàn ông, xây dựng sự tự tin, khả năng ra quyết định sáng suốt, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giảm thiểu rủi ro và phát triển các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng '(Liên hợp quốc, 2016).

[Nguồn: GEM Report Team. 2019. Facing the facts: the case for comprehensive sexuality education.]

Các công ước và hiệp ước quốc tế 

 

  • Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và báo cáo kết quả của các hội thảo kêu gọi chính phủ các nước: “dành sự quan tâm đầy đủ nhằm đáp ứng các nhu cầu giáo dục, thông tin, dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản của thanh, thiếu niên , tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật của các em mà không có sự phân biệt đối xử, cung cấp cho các em giáo dục toàn diện trên cơ sở bằng chứng về tính dục con người, sức khỏe tình dục và sinh sản, quyền con người và bình đẳng giới, để các em có thể cư xử một cách tích cực và có trách nhiệm đối với tính dục của mình.”
  • Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030, bao gồm các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nhằm: “Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao lợi ích cho tất cả mọi lứa tuổi (SDG3); Đảm bảo giáo dục có chất lượng một cách công bằng và hiệu quả, đồng thời nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người (SDG4); Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái (SDG5).”
  • Hội đồng Nhân quyền kêu gọi các quốc gia: “Biên soạn và triển khai các chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, trong đó có giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, dựa trên thông tin chính xác và đầy đủ, dành cho tất cả trẻ vị thành niên và thanh, thiếu niên , theo cách thức phù hợp với mức độ phát triển của các em.”
  • Ủy ban về Quyền Trẻ em kêu gọi các quốc gia: “Giáo dục sức khỏe tình dục và sinh sản phù hợp với lứa tuổi, mang tính toàn diện và hoà nhập, dựa trên các bằng chứng khoa học và tiêu chuẩn quyền con người, có sự tham gia phát triển của trẻ vị thành niên, nên được đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc trong nhà trường và hướng tới cả trẻ vị thành niên không đi học”.
  • Ủy ban về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá khuyến nghị: “Việc đảm bảo các quyền sức khỏe tình dục và sinh sản yêu cầu các quốc gia thành viên đáp ứng nghĩa vụ của mình, như quyền được giáo dục về tính dục và sinh sản một cách toàn diện, không phân biệt đối xử, trên cơ sở bằng chứng, chính xác khoa học và phù hợp với lứa tuổi”.