Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho giáo viên GDGTTDTD trong quá trình giảng dạy

GDGTTDTD là một chủ đề liên tục thay đổi, phát triển và cập nhật. Dữ liệu và số liệu thống kê, cũng như ngôn ngữ và sự sẵn có của các nguồn lực và các chương trình cũng đều có sự thay đổi. Do đó, điều bắt buộc là giáo viên GDGTTDTD phải được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn liên tục.

Việc tạo cơ hội bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho giáo viên cần bao gồm:

  • Sự cân bằng giữa nội dung và kỹ năng học tập;
  • Cơ hội để tập dượt các bài học trong chương trình giảng dạy và nhận được phản hồi từ các đồng nghiệp và người giám sát;
  • Thảo luận về cách xử lý những thách thức tiềm ẩn có thể xảy ra trong cộng đồng.

[Nguồn: UNESCO. 2018. Hướng dẫn kỹ thuật quốc tế về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện.]

Các bước quan trọng đối với việc xây dựng và triển khai đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Bước 1: Tạo một nhóm kỹ thuật để phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và lập kế hoạch triển khai

Nhóm này sẽ chịu trách nhiệm phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng về GDGTTDTD, phù hợp với khung chương trình đào tạo chung cho các trường học.

Bước 2: Quyết định hình thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và (các) cơ sở thực hiện

Điều quan trọng là phải xác định các chi tiết liên quan, ví dụ như liệu giáo dục giới tính và tình dục được giảng dạy như một chương trình độc lập, lồng ghép cùng các môn học khác, hay tích hợp vào một môn học rộng hơn nhưng có liên quan chặt chẽ như Giáo dục sức khỏe. Trước hết, các khóa bồi dưỡng cần được lên kế hoạch, cho cả những giáo viên đã được bồi dưỡng trong quá trình giảng dạy và những giáo viên đã được đào tạo trước khi giảng dạy. Việc lập ngân sách cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên là điều cần thiết. 

Bước 3: Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải bao gồm các yếu tố sau:

  • Thông tin chính xác và cập nhật về tất cả các khía cạnh của tính dục (ở loài người), bao gồm sinh học, khả năng sinh sản, tránh thai, sức khỏe tình dục, quyền về tình dục, cảm xúc, các mối quan hệ, các yếu tố xã hội quyết định đến tính dục và hành vi tình dục, trong đó giới là yếu tố xuyên suốt;
  • Giới thiệu và thực hành các phương pháp có tính tương tác đáp ứng các phong cách học tập khác nhau của người học (ví dụ, học tập dựa trên khả năng nghe, khả năng nhìn, khả năng vận động) và hỗ trợ việc học của họ;
  • Phát triển các kỹ năng hiệu quả trong lớp học, chẳng hạn như cách xử lý các phản ứng nhạy cảm từ học sinh, cách xử lý vấn đề về sự riêng tư, và cách xây dựng sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau;
  • Lời khuyên về tài liệu giảng dạy (ví dụ như phim, trang web, sách và giáo án);
  • Giáo viên thực tập tự đánh giá về tính dục của bản thân, cũng như sự thoải mái hoặc khó chịu của cá nhân đối với các vấn đề nhạy cảm;
  • Phát triển năng lực và sự thoải mái trong việc sử dụng ngôn ngữ liên quan đến tính dục;
  • Xây dựng sự hiểu biết về quá trình phát triển ở trẻ em và về tính dục ở trẻ vị thành niên;
  • Nhận thức về các hệ thống hỗ trợ cho trẻ em và trẻ vị thành niên, chẳng hạn như cấu trúc và chính sách bảo vệ trẻ em, kiến thức về các yếu tố liên quan của hệ thống pháp luật quốc gia và các yêu cầu về pháp lý (ví dụ như độ tuổi đồng ý, bảo vệ trẻ em).
Bước 4: Thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (đào tạo trước khi giảng dạy, bồi dưỡng trong quá trình giảng dạy, và củng cố)

Việc thực hiện các khoá đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải được lập kế hoạch và dự toán ngân sách, với sự phối hợp cùng cơ sở đào tạo. Các câu hỏi sau cần được giải quyết:

  • Loại hình đào tạo, bồi dưỡng nào sẽ được cung cấp? (Các) Khóa củng cố cũng nên được lên kế hoạch ngay từ đầu.
  • Ai sẽ chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và những người này có được đào tạo hay không, hoặc bằng cấp mà họ cần có là gì? 
  • Tần suất tổ chức các khóa đào tạo và thời gian cho các khoá đào tạo, bồi dưỡng là bao lâu? Trong trường hợp giáo viên tham gia bồi dưỡng trong quá trình giảng dạy, cần phải có giáo viên dạy thay.
Bước 5. Giám sát và đánh giá
Đây là một bước quan trọng để xác định xem chương trình có đạt được các mục tiêu đã đề ra hay không, cũng như tính hiệu quả và tác động của nó. Có thể thực hiện nhiều hình thức đánh giá khác nhau, bao gồm đánh giá quá trình, kết quả và tác động. (Xem thêm trong phần Thiết kế, quản lý và đánh giá chương trình.)

[Phỏng theo: UNESCO. 2015. Comprehensive sexuality education in teacher training in Eastern and Southern Africa  - WHO; BZgA. 2017. Training matters: A framework for core competencies of sexuality educators.]

8 khuyến nghị chính để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thành công
  1. Đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên nên bao gồm các nội dung về Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, phương pháp giảng dạy, kỹ năng của giáo viên, thái độ cá nhân và hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV của giáo viên.
  2. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần bao gồm các chính sách, các yêu cầu về hành chính và các chuẩn mực văn hóa ảnh hưởng đến việc giảng dạy thông tin về tính dục.
  3. Các giáo viên cần sẵn sàng và có động lực để có thể giảng dạy về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, và phải là những người đáng tin cậy đối với thanh thiếu niên.
  4. Thời lượng và độ dài của khóa đào tạo, bồi dưỡng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy của giáo viên. Các bằng chứng và báo cáo đáng tin cậy cho thấy mối tương quan giữa thời gian đào tạo, bồi dưỡng và mức độ nội dung được giảng dạy cho học sinh. Các khóa bồi dưỡng ngắn hạn hoặc một lần không đủ để tác động đến sự tự tin và năng lực của giáo viên về lâu dài.
  5. Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần sự hỗ trợ của các bộ ngành, ban giám hiệu nhà trường tại địa phương và cộng đồng.
  6. Cần đào tạo giảng viên (giáo viên của các giáo viên), các giáo viên tiểu học và trung học, và ở mức độ thấp hơn là các nhân viên khác, hiệu trưởng và người quản lý. Giảng viên sư phạm, một nhóm quan trọng thường bị bỏ quên, cũng cần được đào tạo đầy đủ để chuẩn bị sẵn sàng cho vai trò của họ. Sự thoải mái và khả năng của họ chắc chắn sẽ gây ấn tượng và ảnh hưởng đến những giáo viên mới.
  7. Giáo viên cần được hỗ trợ sau khóa đào tạo đầu tiên. Một loạt các chiến lược, bao gồm các khóa học bồi dưỡng, cố vấn và sự giám sát mang tính hỗ trợ, có thể giúp đảm bảo những tác động lâu dài từ việc đào tạo.
  8. Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nên áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với việc bóc lột học sinh.