Ngành giáo dục bao hàm các chương trình chính quy trong nhà trường và những chương trình không chính quy trong cộng đồng.
Lợi thế trong việc triển khai GDGTTDTD trong nhà trường
- Khả năng tiếp cận một số lượng lớn trẻ em trong cùng một thời điểm. Ở hầu hết các nước, trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 13 dành một phần lớn thời gian trên ghế nhà trường, do đó trường học có khả năng truyền tải thông tin tới một số lượng lớn trẻ em có nguồn gốc xuất thân khác nhau một cách bền vững và có thể áp dụng lặp đi lặp lại.
- Ban giám hiệu nhà trường có khả năng điều chỉnh nhiều khía cạnh trong môi trường học tập để bảo vệ và hỗ trợ các em
- Có chi phí hiệu quả cao góp phần phòng chống HIV và đảm bảo quyền lợi của các em được giáo dục và tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) (UNESCO, 2011a; 2016c).
- Trường học có thể trở thành trung tâm hỗ trợ xã hội, liên kết học sinh, phụ huynh, gia đình, cộng đồng với các dịch vụ khác (ví dụ như dịch vụ y tế).
- Giáo viên có kỹ năng cung cấp các nội dung học tập phù hợp với lứa tuổi và mức độ phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên, còn các em nhìn nhận trường học và giáo viên là những nguồn thông tin đáng tin cậy.
- Nhiều trẻ bước vào tuổi dậy thì cũng như hình thành những mối quan hệ đầu tiên, có thể bao gồm cả các mối quan hệ tình cảm, khi còn đang đi học. Vì vậy, giáo dục phù hợp với lứa tuổi theo từng giai đoạn càng quan trọng hơn về quyền lợi, các mối quan hệ và SKSS/SKTD, cũng như tạo cho trẻ em và thanh thiếu niên một góc nhìn giới thông qua môi trường giáo dục chính quy.
Tầm quan trọng của các hình thức đào tạo không chính quy và trong cộng đồng
- Có một số lượng lớn thanh thiếu niên trên thế giới không được đi học. Có khoảng 263 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 6 đến 15 không đi học hoặc đã bỏ học (UNESCO, 2016a). Hoạt động tại các môi trường không chính quy như trong trung tâm cộng đồng, câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ hướng đạo sinh, các tổ chức tôn giáo, cơ sở dạy nghề, trung tâm y tế và các diễn đàn ảo sẽ đóng vai trò giáo dục quan trọng, trong đó có GDGTTDTD (IPPF, 2016).
- Các hình thức đào tạo trong cộng đồng có thể tiếp cận nhóm thanh thiếu niên dễ bị tổn thương. Trẻ ngoài nhà trường là một trong những nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là tại những nước có tỷ lệ đi học thấp hoặc GDGTTDTD không được lồng ghép đầy đủ trong chương trình giáo dục quốc gia.
- Hoạt động cộng đồng bổ trợ cho các chương trình giáo dục trong nhà trường. Thanh thiếu niên đi học cũng thường tham dự các chương trình GDGTTDTD trong cộng đồng vào cuối tuần, buổi tối hoặc vào các ngày nghỉ lễ. Việc tham gia các chương trình này thường củng cố và mở rộng các nội dung được học qua GDGTTDTD trong nhà trường. Ví dụ, ở một số nơi trên thế giới, giáo viên không được phép biểu diễn cách sử dụng bao cao su trong lớp học, nhưng tại hầu hết các hoạt động trong cộng đồng thì lại không bị cấm; và các bài học trong cộng đồng không bị giới hạn như thời gian tiết học trên lớp thường chỉ kéo dài 40 phút.
- Các hình thức GDGTTDTD trong cộng đồng có thể hỗ trợ cho phụ huynh và các nhà lãnh đạo trong cộng đồng. Thông thường, các chương trình được thực hiện trong nhà trường đều hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên. GDGTTDTD trong môi trường không chính quy và trong cộng đồng cũng tạo cơ hội nâng cao nhận thức của phụ huynh và những người lãnh đạo cộng đồng, cũng như thiết lập sự gắn kết mạnh mẽ hơn đối với các dịch vụ SKSS/SKTD.
[Nguồn: UNESCO. 2018. Hướng dẫn kỹ thuật quốc tế về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, tr. 19, bản dịch tiếng Việt.]
Ngành y tế tập trung chủ yếu vào việc điều trị hoặc giúp mọi người tránh được những hậu quả không mong muốn hoặc không có lợi cho sức khỏe tình dục (mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, các bệnh STI, hậu quả về mặt tâm sinh lý của hành vi bạo lực tình dục, v.v.). Ngành y tế cũng là một đối tác quan trọng của các chương trình giáo dục giới tính và tình dục.